GIẤY CHỨNG NHẬN ISO CÓ RẺ?
Hôm nay có một bạn đăng một chứng nhận ISO 9001:2015 lên và hỏi các thành viên của nhóm ISO Việt Nam giá chứng nhận bao nhiêu tiền. Em đồ rằng có rất nhiều người làm nghề ISO lâu năm như em có cảm giác buồn và động chạm. Thực tế bạn ấy chả có lỗi gì ở đây cả vì rằng thực trạng của chứng nhận ISO hiện thời có rất nhiều vấn đề khiến tất cả chúng ta suy ngẫm và trăn trở. Em theo nghề đến lúc này chính xác là tròn 20 năm bắt đầu từ 2001 với chức danh nhân viên QA của 1 Doanh nghiệp 100% vốn Hàn lúc đó có chứng nhận ISO 9001:1994 đời đầu và làm cho Doanh nghiệp Châu Âu với chức danh HSE-QA Manager cho đến giữa năm 2020 mới toàn tâm toàn ý cho Doanh nghiệp của riêng mình, còn tuổi đời tư vấn hệ thống thì tròn 15 năm kể từ 2006. Nhưng cá nhân em nhiều lúc thoáng nghĩ hình như nghề ISO càng ngày càng rẻ đi theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này, nên thật tâm em muốn viết gì đó sẻ chia cùng các anh các chị đã đi trước và xin đưa thêm 1 số thông tin cho các bạn trẻ mới bắt đầu vào nghề chưa biết rõ thế nào là chứng nhận/công nhận và còn mù mờ với các chứng nhận ISO hiện thời trên thị trường.
Khi em mới vào nghề lúc đó Doanh nghiệp nào có chứng nhận ISO 9001 thì thực sự giá trị, đặc biệt chứng nhận phiên bản 1994 đầu tiên của nó. Họ thực sự đã mất rất nhiều tiền của, mồ hôi công sức và nhiêt tâm đào tạo nhân viên để chạy hệ thống đó, e đã nhìn thấy tính hiệu quả của nó tại các Doanh nghiệp đó kéo dài cho đến thời điểm hiện thời của các Doanh nghiệp nhiều tuổi này. Phiên bản 2000 của ISO 9001 vẫn còn quá nhiều giá trị vì sự khó khăn để có được chứng nhận. Đến phiên bản 2008 thì bắt đầu số lượng doanh nghiệp có chứng nhận nhiều vô kể và dường như dễ hơn và đến thời điểm hiện thời đau lòng rằng sự thật có rất nhiều Doanh nghiệp mua chứng nhận. Khi em biết họ mua được chứng nhận thật tâm em rất buồn, trăn trở với nghề ghê gớm dù em hiểu rõ nhưng người mua được thì đồng nghĩa hệ thống họ là con số 0 tròn trĩnh và tính bền vững của Doanh nghiệp dễ hiểu là một dấu hỏi chấm rõ to; còn các Doanh nghiệp thật tâm xây dựng hệ thống họ nhận đươc cực nhiều lợi ích từ ISO, hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, các quá trình chạy trong doanh nghiệp suôn sẻ và nhân sự của họ thật sự chuyên nghiệp và chất lượng.
Các tiêu chuẩn ISO về hệ thống quản lý đưa ra các yêu cầu đối với một hệ thống quản lý mà các Doanh nghiệp thuộc đủ loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ..áp dụng và các yêu cầu này có thể đánh giá được. Vậy nên hoạt động chứng nhận ISO là hoạt động doanh nghiệp được một tổ chức chứng nhận (bên thứ ba) đánh giá hệ thống và cấp cho doanh nghiệp giấy chứng nhận ISO, là kết quả minh chứng cho tổ chức đấy đã đáp ứng các yêu cầu về hệ thống quản lý ISO nào đó. Cho dù trên mọi Giấy chứng nhận ISO chỉ ghi Doanh nghiệp của bạn đã đáp ứng được các yêu cầu của ISO abc zyz nhưng thực tế với người làm nghề, chứng nhận có phân cấp
Tại Việt Nam, các tổ chức chứng nhận ISO là các tổ chức cần có Giấy đăng ký hoạt động chứng nhận với Tổng cục Đo lường Chất lượng Việt Nam tuân thủ theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Tuy nhiên có 1 điều rất quan trọng mà các Doanh nghiệp quên hay thực ra nhiều người không biết rằng: cần xem xét các tổ chức chứng nhận đó có được công nhận hay không? Bởi hoạt động công nhận sẽ đảm bảo năng lực hoạt động của Tổ chức chứng nhận.
Chứng nhận (Certification): “Là thủ tục để bên thứ ba đảm bảo rằng sản phẩm, quá trình hay dịch vụ phù hợp với các yêu cầu quy định”.
Ví dụ: Tổ chức chứng nhận BV, TUV, SGS, DNV, BSI, ITS.. sẽ chứng nhận một hệ thống quản lý của doanh nghiệp đạt chứng nhận ISO 9001, ISO 14001, SA 8000, HACCP…
Công nhận (Accreditation): “Là thủ tục để cơ quan có thẩm quyền thừa nhận chính thức một tổ chức hay cá nhân có năng lực tiến hành các nhiệm vụ quy định”
Thông thường, hoạt động công nhận thuộc chức năng của nhà nước như UKAS – Anh, JAB – Nhật, RVA – Hà Lan, JAS-ANZ – Úc, New Zealand, ANAB- Mỹ, DAK- Đức, BOA – Việt Nam… sẽ tiến đánh giá các Tổ chức chứng nhận, Phòng thử nghiệm, Thí nghiệm có đủ năng lực để thực hiện hoạt động chứng nhận, thử nghiệm…
Cho dù không có quy định nào cụ thể về việc chứng nhận phải đi liền với công nhận nhưng với rất nhiều người và nhiều tổ chức nếu chứng nhận cho Doanh nghiệp không thể hiện dấu công nhận đi kèm với dấu của tổ chức chứng nhận thì chứng nhận đó không có nhiều giá trị vì có bên nào công nhận năng lực của họ đâu ngoài giấy đăng ký đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp với cơ quan chức năng. Nhưng mấy ai hiểu và mấy ai quan tâm nên đúng như các comments ở dưới post đã đề cập giá cả là vô cùng luôn, có thứ đúng hàng chợ mua được và dễ vô cùng.
Với các Doanh nghiệp hay Tập đoàn nước ngoài, việc xây dựng hệ thống quản lý với họ là quan trọng nhất và thường họ xây dựng và vận hành nó trước sản phẩm được đặt hàng đầu tiên. Và bài toán về xây dựng hệ thống quản lý chưa bao giờ là dễ nó cần có số hàng năm hay vài năm để chạy tốt. Các Doanh nghiệp Việt Nam chạy ngược với quy luật này, không xây dựng hệ thống để nó chạy tự do thoải mái cho đến khi khách hàng yêu cầu có chứng chỉ ISO và các chủ Doanh nghiệp quá nhiều người chưa hiểu rõ hệ thống quản lý là gì cũng như tầm quan trọng đương nhiên họ muốn mua chứng nhận giá rẻ nhất có thể để đáp ứng yêu cầu của khách; chứ bảo giờ thuê 1 bên thứ 3 làm tư vấn xây dựng hệ thống, nên nhớ để xây dựng 1 hệ thống vận hành thật sự ngon nghẻ với 1 tư vấn giỏi cần ngót nghét 6 tháng hoặc nhiều hơn nếu Doanh nghiệp nhân sự yếu và số tiền để xây dựng nó sẽ không hề rẻ chút nào.
Trong nhiều năm nữa, chứng nhận ISO vẫn là giấy thông hành cho Doanh nghiệp tiếp cận được với Khách hàng trong và ngoài nước, không có cách khác. Tuy nhiên thực trạng trên là thứ mà chúng ta buộc phải đối mặt dù muốn hay không. Em vẫn tin vào giá trị của ISO và rất vui khi thấy các tổ chức chứng nhận (được công nhận bởi nhiều tổ chức) uy tín như LRQA (đã không còn có mặt tại Việt nam), BVC, SGS, DNV-GL, TUV… vẫn có khách hàng riêng của họ cho dù họ vẫn khó khăn và giá thành không có rẻ. Còn nữa, cho dù hiện trạng có thế nào thì những người làm nghề ISO chân chính (bao gồm có những người đang làm doanh nghiệp, các tư vấn, các ĐGV..) sẽ không có rẻ, họ vẫn đã và đang mang lại giá trị cho thế giới hiện đại vận hành không ngừng này-những giá trị cả vô hình và hữu hình và kết quả là cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi con người có được từ sự vận hành hiệu quả của Doanh nghiệp. Hãy nhớ rằng bài toán phát triển bền vững mới là thứ Doanh nghiệp cần đến, chứ không phải là thứ chộp giật kiếm tiền vài ba năm.
Chúc các anh/ các chị và các bạn luôn mạnh khỏe, nhiệt tâm và sống tốt với nghề. Cảm ơn mọi người đã lắng nghe.
Whiteswan