CÔNG TY TNHH CHỨNG NHẬN & ĐÀO TẠO ISOCERT
Hotine: 0772.311.175
Ngày đăng: 24/11/2022 | 521 lượt xem

BÀN VỀ GIẢI PHÁP CHO CÂU CHUYỆN "cuộc chạy đua chứng chỉ ISO"

Trước hết, em xin cảm ơn Anh Phattriennangluccanhtranh Cbi với câu hỏi khó chơi này và chắc chắn nó là trăn trở của tất cả chúng ta, những người đang tham gia nhóm ISO VIETNAM và cũng là những người đang yêu nghề tha thiết, đầy tâm huyết, hoài bão hay đang hoang mang, buồn bực, hoài nghi với nghề. Em xin phép mở hẳn một post để chúng ta cùng nói nhiều hơn về nó. Nói về giải pháp, em không tin mình có thể đưa ra được cái gì đó siêu Việt và ghê gớm vì vấn đề này là vĩ mô và lớn lao thật sự, giải quyết được nó không phải là chuyện xử lý câu chuyện cho vài nghìn người làm ISO mà là điều tuyệt vời thay đổi nước Việt và tương lai người Việt kia ạ. Tuy nhiên, em luôn là người dám nói những điều mình nghĩ và không ngại đào sâu vấn đề nên xin mạn phép viết một số điều từ góc nhìn hạn hẹp của bản thân mình.

Để nói về giải pháp, chúng ta cần bàn về nguyên nhân cốt lõi. Anh có nói: “Nhưng, vì doanh nghiệp Việt còn nhỏ quá, mới quá, thời gian và kinh nghiệm thương trường còn ít quá, nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản,… bao nhiêu khó khăn, nhưng hiện tại vẫn phải sản xuất, bán hàng, cạnh tranh và phải được công nhận rằng "sản phẩm/dịch vụ có uy tín, đảm bảo chất lượng", giá rẻ ….” Em đồng tình ngay và luôn vì thật sự đó là nguyên nhân.

Trong 8 nguyên tắc quản lý, điều số 1 "Hướng vào Khách hàng" là thứ sống còn phải làm. Nguyên tắc thứ 2: Cam kết lãnh đạo quyết định sự sống còn của HTQL: tồn tại hiệu quả hay vô hình. Quá nhiều Doanh nghiệp Việt vi phạm nguyên tắc này thì làm sao có thể đạt được một HTQL không cần ghê gớm chỉ cần đáp ứng đủ yêu cầu của ISO. Hệ thống giáo dục của nước ngoài tại các quốc gia tiên tiến tạo cho công dân nước họ có kiến thức nền rất tốt, cộng thêm việc chuyên biệt hóa các ngành nghề, thực tế cho thấy các bạn đồng nghiệp của em không mấy người làm trái nghề mà họ thường làm đúng cái mình được đào tạo, ai mơ ước làm quản lý thì họ đã nghiên cứu cái đó quá kỹ càng để chuẩn bị tương lai và con đường mình đi rồi. Còn lãnh đạo doanh nghiệp Việt thì thiếu nhiều thứ lắm ạ, trong khi hệ thống giáo dục của chúng ta nói đi nói lại mãi rồi: CẦN THAY ĐỔI.

 

Ở khuôn khổ bài viết này, em muốn đề cập nhiều hơn đến các DN vừa và nhỏ của Việt Nam. Em yêu chúng nhiều hơn và thấy mình thật sự có ích khi được hỗ trợ các DN vừa và nhỏ phát triển hệ thống vì các DN này thiếu rât nhiều trong khi DN FDI khác dư thừa công cụ quản lý hệ thống. Quá nhiều DN FDI có hệ thống cao cấp hơn ISO nhiều, nhưng em xin phép không nói về họ ở đây. Với đặc thù nghề nghiệp của mình, em đã có rất nhiều cơ hội tiếp xúc và gặp gỡ với rất nhiều các chủ DN cả lớn, vừa và nhỏ. Càng đi, càng trải nghiệm em càng dành sự ngưỡng mộ và tôn trọng to lớn đối với những con người như vậy. Câu chuyện về con đường đi đến thành công ngày hôm nay của các chủ DN chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng rất lớn đối với bản thân em nói riêng và những người lắng nghe câu chuyện nói chung. Họ luôn có đặc điểm chung đó là dám làm, dám chịu, kỷ luật nhưng liều lĩnh bên cạnh sự linh hoạt, khéo léo trong giao tiếp. Thông thường, chủ DN nhỏ và vừa người Việt sẽ là những người đi lên từ những con số 0 và hoài bão vô bờ để thành đạt hoặc những người đã làm cho nước ngoài/cho các DN phát triển khác và đến lúc họ muốn làm riêng cho mình.

Với các anh/chị đã làm cho các hệ thống tốt trước khi có DN riêng, họ đã hiểu tầm quan trọng của hệ thống quản lý và cố gắng có được một hệ thống tầm trung để quản lý DN mình. Nhưng nhiều lắm trong số các DN đang phát triển kia, người lãnh đạo thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức về quản lý, dựa vào sự liều lĩnh và may mắn cũng như sống được do thị trường Việt Nam đang quá rộng mở và mới mẻ; doanh nghiệp của họ thậm chí không có đến cái sơ đồ tổ chức thật sự nói gì đến các công cụ quản lý cao xa ngoài kia. Trong khi đó không phải tất cả đều nhìn nhận ra vấn đề và muốn thay đổi, hoặc có nhìn ra vấn đề nhưng bản thân là các DN nhà nước thì việc thay đổi cả 1 hệ thống đòi hỏi quá nhiều tâm sức trong khi người lãnh đạo chỉ ở vị trí vài năm thế nên họ không muốn làm. Tình trạng đó dẫn đến mong muốn đó là mua chứng nhận hoặc chỉ chạy lấy có để có chứng nhận. Đây là điều quá dễ hiểu! Trong khi thông tin 3 bề 4 bốn xung quanh nói về ISO không mấy tích cực rằng “nó chỉ là tờ giấy thông hành, để theo được nó cần quá nhiều điều kiện chúng ta còn.. còn.. không theo được đâu”. Cam kết lãnh đạo không có ngay từ đầu vì cá nhân họ chẳng có nhiều kiến thức về nó - điều tối thiểu cần có trong hoạt động kinh doanh, như vậy dẫn đến HTQL không thể xây dựng và tồn tại. Và cũng lý giải tại sao các DN Việt dễ hỏng hình trên con đường phát triển đến thế, DN trăm năm còn là giấc mơ xa.

Vậy giải pháp là gì?

Em e rằng cộng đồng ISO của chúng ta không xử lý được nhưng chúng ta cứ phải nhiệt tâm trước đã, cứ "stay hungry and stay foolish". Cần thay đổi nền giáo dục, thay đổi cơ chế quản lý hỗ trợ các DN vừa và nhỏ về kỹ năng quản lý để họ thực sự có kiến thức quản lý, kỹ năng lãnh đạo tốt hơn để xây dựng hệ thống của DN mình sao cho bền vững và hiệu quả, chứ không phải "hành" DN. Thông thường các DN Việt sẽ chi một khoản tiền tương đối lớn cho việc thuê những người bên ngoài có chuyên môn về ISO giúp đỡ xây dựng hệ thống chuẩn chỉ từ đầu đến cuối cho công ty của mình. Tuy nhiên điều này lại khác hẳn so với thực trạng tại các quốc gia phát triển, các DN chẳng cần đến dân tư vấn ISO và nhân viên ISO; họ tự xây hệ thống của họ và tất cả các nhân viên trong công ty đều tham gia vào quá trình xây dựng hệ thốn này. 

Trở lại với thị trường VN, thời điểm này người làm tư vấn ISO đang có rất nhiều triển vọng và giá trị, điều cần làm hiện tại đó là xây dựng một tư duy tốt, có cái nhìn rộng mở và một tấm lòng thực sự yêu nghề; chỉ có như vậy mới có thể đánh bại được những tư duy thủ cựu sợ ISO, sợ hệ thống của DN để hỗ trợ họ xây dựng con đường phát triển hướng tới tương lai bền vững. Em mong rằng, các anh chị làm ISO tại DN sẽ là cầu nối tuyệt vời giữa tiêu chuẩn và BLĐ công ty.

Hôm nay là ngày 13/10 ngày Doanh nhân Việt Nam, em luôn tự hào khi nghĩ về Doanh nhân Việt, họ đã quá nỗ lực để làm những việc phi thường trong khi mọi thứ dường như chống lại họ. Một người có thành tựu, vừa làm giàu bản thân, vừa làm giàu cho xã hội, vừa sống 1 cuộc đời ý nghĩa thì thật sự đáng trân trọng. Chúc cho DN Việt Nam mạnh khỏe, thịnh vượng và chúc cho các anh/chị Doanh nhân luôn là biểu tượng của sự truyền cảm hứng, tài năng và phát triển mạnh mẽ.

Whiteswan 

Thông tin liên hệ: 

CÔNG TY TNHH CHỨNG NHẬN & ĐÀO TẠO ISOCERT

Add: Số 5A/304, đường Chợ Hàng, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng

Hotine: 0772.311.175

Email: info@isocertvn.com

Tags: