CÔNG TY TNHH CHỨNG NHẬN & ĐÀO TẠO ISOCERT
Hotine: 0772.311.175
Ngày đăng: 24/11/2022 | 441 lượt xem

CHỨNG NHẬN VÀ CÔNG NHẬN

Trong nhóm ISO Việt Nam đang có vài bài viết rất nóng về chủ điểm chứng nhận và công nhận nên xin mạn phép cung cấp thông tin thêm cho những người làm nghề ISO về chủ điểm này, vì thực tế rất rõ rằng có nhiều người làm nghề nhưng chưa phân biệt được 2 khái niệm này khác nhau thế nào ạ.

Chứng nhận (Certification) hiểu: “Là thủ tục để bên thứ ba đảm bảo rằng sản phẩm, quá trình hay dịch vụ phù hợp với các yêu cầu quy định”.

Định nghĩa theo ISO/IEC 17000:2007 thì: Chứng nhận: Xác nhận sự phù hợp của bên thứ ba đối với các sản phẩmquá trìnhhệ thống hoặc chuyên gia

Ví dụ: Tổ chức chứng nhận BV, TUV, SGS, DNV, BSI... sẽ chứng nhận một hệ thống quản lý của doanh nghiệp đạt chứng nhận ISO 9001, ISO 14001, SA 8000, HACCP…

Công nhận (Accreditation) hiểu: “Là thủ tục để cơ quan có thẩm quyền thừa nhận chính thức một tổ chức hay cá nhân có năng lực tiến hành các nhiệm vụ quy định”

Định nghĩa theo ISO/IEC 17000:2007: Công nhận: Xác nhận sự phù hợp của bên thứ ba đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thể hiện chính thức rằng tổ chức đó có đủ năng lực để tiến hành các công việc cụ thể về đánh giá sự phù hợp
Thông thường, hoạt động công nhận thuộc chức năng của nhà nước như UKAS – Anh, JAB – Nhật, RVA – Hà Lan, JAS-ANZ – Úc, New Zealand, ANAB- Mỹ, DAK- Đức, BOA – Việt Nam… sẽ tiến đánh giá các Tổ chức chứng nhận, Phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn, đơn vị giám định hay tổ chức chứng nhận năng lực cá nhân có đủ năng lực để thực hiện hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, giám định, hay chứng nhận năng lực cá nhân…

Chưa đủ đâu, các tổ chức công nhận này lại cần tham gia liên kết công nhận bằng cách đáp ứng yêu cầu và điều kiện của một trong các hiệp hội các tổ chức công nhận khu vực hoặc quốc tế: Diễn đàn công nhận quốc tế (IAF) Hợp tác công nhận châu Á Thái Bình Dương (APAC), Hiệp hội Công nhận các phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC) để được thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) giữa các cơ quan công nhận của các khu vực hay quốc tế.

Và ngay trong ISO/IEC 17000:2007 ghi rõ: "audit" (đánh giá) và "assessment" (đánh giá) được sử dụng cho các ngữ cảnh khác nhau, cụ thể: "audit" (đánh giá (chứng nhận)) được sử dụng đối với các hệ thống quản lý còn "assessment" (đánh giá (công nhận)) được sử dụng đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp cũng như đối với các đối tượng khác.

Tuy nhiên, không có quy định nào cụ thể về việc chứng nhận phải đi liền với công nhận cho dù về mặt nguyên tắc của hoạt động chứng nhận sự phù hợp là cần công nhận lẫn nhau, và với rất nhiều người/nhiều tổ chức (đặc biệt ở các quốc gia phát triển) họ đề cao giá trị này và đòi dấu công nhận đi kèm, nếu không thì không có bên nào đảm bảo và công nhận năng lực của các tổ chức chứng nhận sự phù hợp, ngoài giấy đăng ký đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp với cơ quan chức năng. Đặc biệt với ISO 17025 thì kết quả thử nghiệm/hiệu chuẩn của bạn không đi kèm dấu công nhận không khách nào chấp nhận cả, và cả 1 số lĩnh vực giám định đặc thù cũng vậy.

 

Tại Việt Nam, các tổ chức chứng nhận ISO là các tổ chức cần có Giấy đăng ký hoạt động chứng nhận với Tổng cục Đo lường Chất lượng Việt Nam tuân thủ theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Ngoài ra, như ghi bên trên các tổ chức giám định, thử nghiệm, hiệu chuẩn, chứng nhận sản phẩm cũng cần hoạt động và đăng ký theo Nghị định 105, 107 và 109 (105 cho Thử nghiệm/hiệu chuẩn, 107 cho chứng nhận hệ thống/chứng nhận sản phẩm/ giám định/ kiểm định và 109 cho Xét nghiệm y tế) liên quan. Tuy nhiên trong cả 3 nghị định 105/107/ 109 đều không yêu cầu các tổ chức cần được công nhận bởi BoA, AOSC, VACI hay các tổ chức công nhận khác (xin lưu ý hiện thời Việt Nam có 3 tổ chức được công nhận, không phải chỉ một BoA, nhưng AOSC chỉ thực hiện công nhận ISO 17025 cho phòng Thí nghiệm/hiệu chuẩn/ và ISO 15189 cho Xét nghiệm Y tế; trong khi VACI làm được hết các tiêu chuẩn giống BoA nhưng lại chưa tham gia IAF, APAC/ILAC-MRA, và theo quy định của 107 thì tổ chức công nhận của Việt Nam cần tham gia hiệp hội công nhận quốc tế liên quan trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp phép). Nếu ai đó đã từng xin giấy phép theo Nghị định 105/107/109 sẽ hiểu rất rõ rằng, chỉ cần xây dựng hệ thống theo các tiêu chuẩn ISO liên quan đến hoạt động chứng nhận sự phù hợp (nộp hệ thống tài liệu kèm hồ sơ xin cấp phép) mà không cần xin giấy công nhận chính thức từ BoA, VACI hay AOSC thì cũng được nhà nước cấp phép rồi. Hoặc ngược lại bạn nào đã làm tư vấn cho các tiêu chuẩn bắt nguồn từ ISO 17000 (trừ 17024 do Việt Nam không yêu cầu đơn vị cấp chứng nhận năng lực cá nhân cần được cấp phép) thì khi xin giấy công nhận của BoA, VACI hay AOSC thì chỉ cần nộp giấy đã đăng ký xin cấp phép theo Nghị định 105/107/109 là được thực hiện tiến hành đánh giá công nhận. Vậy nên, ai đó yêu cầu việc giấy chứng nhận của các tổ chức đã được cấp giấy theo Nghị định 105/107/109 cần phải công nhận mới hoàn thành yêu cầu nào đó của luật định là không đúng, vì luật Việt Nam không đòi cao như vậy.

Cá nhân em có kinh nghiệm với ISO 17020, ISO 17021, ISO 17024 và ISO 17025 và rất yêu mến các tiêu chuẩn của bộ ISO 17000. Xin gửi đính kèm dưới đây các tiêu chuẩn liên quan đến từng hoạt động chứng nhận sự phù hợp để mọi người có cái nhìn tổng quan và để tham khảo. Xin cảm ơn mọi người đã lắng nghe.

Whiteswan

Tags: